Đầu xuân đi đền thờ Nguyễn Công Trứ cầu mong khí phách của cụ để bứt phá trong năm mới

Đền Nguyễn Công Trứ có tên là Truy Tư Từ thờ Doanh điền sứ  Nguyễn Công Trứ – người có công khai sinh lập ra huyện Kim Sơn năm 1829 ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Tác giả: Dacsan.com Ngày đăng: 04/02/2022

Đền Nguyễn Công Trứ có tên là Truy Tư Từ thờ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ – người có công khai sinh lập ra huyện Kim Sơn năm 1829 ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Đền Nguyễn Công Trứ có nhiều nét độc đáo mà ít đền thờ trong cả nước có được. Đây là đền thờ làm từ một ngôi nhà do chính Nguyễn Công Trứ xây dựng nên và đã ở đó một thời gian. Đền thờ được xây dựng từ khi Nguyễn Công Trứ còn sống và tại đây những người không theo tôn giáo nào, những người theo Phật giáo hay Công giáo đều đến tế lễ.

Đền có kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian. Bên tả hữu tiền đường có 2 cột đồng trụ, bên trong có hương án, giá trống, giá chiêng và 3 bức đại tự nói lên tấm lòng thành kính và ngưỡng mộ của nhân dân huyện Kim Sơn đối với Nguyễn Công Trứ. Hậu cung 3 gian, gian giữa để bàn thờ Nguyễn Công Trứ có một bát hương men sứ trắng, cao 40 cm, miệng rộng 40 cm, hoạ tiết màu xanh thẫm vẽ hình lưỡng long chầu mặt nguyệt.

Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là người học giỏi, thông minh nhưng thi cử lận đận, mãi đến năm 42 tuổi mới đỗ Giải Nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hương). Ông là người văn võ song toàn, cùng với Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ là một trong hai thi sĩ nổi tiếng nhất nửa đầu thế kỷ XIX. Đặc biệt công lao lớn nhất của ông là khai khẩn ruộng đất, chiêu mộ dân lưu vong lập ra hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình).

Công lao của Nguyễn Công Trứ với nhân dân huyện Kim Sơn là rất lớn, nhân dân huyện Kim Sơn đã làm đền thờ ông ở xã Quang Thiện, đó là đền thờ sống gọi là Sinh Từ. Cho tới năm 1858, sau khi Nguyễn Công Trứ mất, nhân dân huyện Kim Sơn xây dựng thêm Tiền đường, Sinh Từ trở thành Chính cung và từ đó Sinh Từ cũng được đổi tên là Truy Tư Từ.

Từ khi Nguyễn Công Trứ mất, hàng năm cứ đến 14/11 âm lịch (ngày ông mất), nhân dân huyện Kim Sơn đều tổ chức tế lễ Nguyễn Công Trứ ở Truy Tư Từ để tưởng nhớ công lao to lớn của Nguyễn Công Trứ. Đây là một lễ hội vô cùng đặc sắc của cư dân miền biển.

Phần lễ: Dâng hương tại đền thờ Nguyễn Công Trứ tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn. Thường có sự tham gia của nhiều làng trong huyện Kim Sơn. Điều độc đáo là lễ hội có sự tham gia của cả người lương và giáo với những nghi thức khác nhau.

Phần hội: Tổ chức trò chơi đua thuyền trên nhánh sông Vạc, một đặc trưng của lễ hội cư dân đồng bằng ven biển. Phần hội còn có phần thi hát ca trù, loại hình dân ca liên quan nhiều đến cụ Nguyễn Công Trứ.

Đền Nguyễn Công Trứ đã được Bổ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia ngày 22 tháng 01 năm 1992.

"Đã mang tiếng sống trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông".

Với khí phách ngút trời của cụ Nguyễn Công Trứ, đầu năm đi du xuân thăm đền, cầu mong có chút ý chí của cụ để năm mới có nhiều khởi sắc, đột biến. Đây là điểm đến lý tưởng của người dân mỗi dịp Tết đến, xuân về. Nếu có cơ hội để ghé thăm nơi đây, bạn đừng bỏ lỡ nhé!

Bạn có thể xem thêm thông tin về đặc sản, du lịch, văn hóa Việt Nam tại Dacsan.com. Chúng tôi luôn cố gắng góp phần gìn giữ tinh hoa đất Việt.

Bạn đang xem: Đầu xuân đi đền thờ Nguyễn Công Trứ cầu mong khí phách của cụ để bứt phá trong năm mới
Bài trước Bài sau
popup

Số lượng:

Tổng tiền: